Các nghề thủ công ở Việt Nam bắt nguồn từ văn hóa lúa nước thời xưa khi ông cha ta có thói quen tự chế tạo cho bản thân và gia đình những công cụ cần thiết phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, công việc đồng áng và nghỉ ngơi thư giãn. Những sáng tạo đơn thuần đó được gìn giữ từ đời này sang đời kia và được mở rộng dần giúp hình thành nên các làng nghề truyền thống ở Việt Nam.

Làng lụa Vạn Phúc Hà Đông – Hà Nội

Các làng nghề truyền thống Việt Nam đa phần tập trung ở miền Bắc, trong đó có các làng dệt nổi tiếng ở Hà Tây, như làng dệt La Khê, La cả, Cổ Đô, Vân Sa, Phùng Xá, Vạn Phúc. Làng lụa Vạn Phúc ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội là một làng nghề truyền thống Việt Nam khá nổi tiếng.

Làng nghề thủ công dệt lụa tơ tằm ở Vạn Phúc đã có từ ngàn năm trước, là nơi có nhiều mẫu hoa văn lâu đời bậc nhất Việt Nam, là nơi được chọn để may trang phục cho triều đình. Ứng dụng của các sản phẩm lụa Vạn Phúc đã tạo tiền đề cho ngôi làng trở thành một trong những địa điểm nổi bật trong số các nghề thủ công Việt Nam.

Nhiều loại tơ lụa chất lượng cao được sản xuất tại đây như: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, cầu, đũi, kì, nổi tiếng là loại lụa vân, là loại lụa có hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt. Đặc điểm nổi bật của các sản phẩm nghề truyền thống Vạn Phúc là ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và hoa văn trang trí thì rất đa dạng.

Làng lụa Vạn Phúc có hình ảnh cổ kính, là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và phim ảnh. Người dân làng Vạn phúc tự hào vì nghề lụa là nghề nghiệp truyền thống của họ.

Cùng với làng nghề truyền thống Vạn Phúc Hà Đông, Việt Nam cũng có nhiều làng nghề thủ công dệt vải nổi tiếng như làng nghề truyền thống dệt vải Bảy Hiền – TP HCM, làng lụa Duy Xuyên – Quảng Nam, làng lụa Tân Châu – An Giang,…

Làng nghề thêu truyền thống Quất Động – Hà Nội

Nghề thêu là một ngành nghề truyền thống tại làng Quất Động, huyện Thường Tín – Hà Nội, tồn tại từ thế kỉ XVII, làng nghề thủ công này nổi tiếng với các bức tranh thêu tay và còn được phong danh hiệu “Làng nghề du lịch truyền thống’’.

Làng nghề truyền thống Quất Động là khởi nguồn của nghề thêu trên toàn Việt Nam, nơi đây phát triển các kỹ thuật thêu riêng biệt mà chỉ có người làng mới biết.

Ban đầu nghề truyền thống này chỉ thêu phục vụ cung đình và quý tộc, trang trí đền chùa, phường tuồng như câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa – khăn chầu áo ngự cho vua chúa, chỉ sử dụng 5 màu chỉ vàng, xanh, đỏ, tím, lục cùng loại hình và kỹ thuật thêu thô sơ, sau này mới phát triển nghề truyền thống tranh thêu.

So với các nghề thủ công truyền thống khác, nét tinh hoa của nghề thêu từ nhiều đời trước được áp dụng vào tranh thêu một cách triệt để, cho ra nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường như thêu trang phục hàng truyền thống, tác phẩm nghệ thuật, thêu chân dung, phong cảnh, danh lam thắng cảnh, khơi gợi tình yêu với non sông đất nước. Trung bình một sản phẩm cần 1 tháng để hoàn thành, có sản phẩm phải 4 tháng. Để đào tạo ra được một thợ thêu có kỹ thuật cao, thời gian cần có từ 5 đến 15 năm, có những gia đình có tới 7 thế hệ đều làm nghề truyền thống này.

Nghề thêu ren đã tạo thu nhập cho nhiều lao động ở làng Quất Động, đây là động lực để người dân lưu giữ ngành nghề truyền thống và càng ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm mang dấu ấn bản sắc Việt Nam hơn nữa để nghề thêu luôn là một nghề truyền thống Việt Nam.

Làng nghề truyền thống dệt vải Khuôn Thê

Trong số các nghề truyền thống, nghề dệt vải được nhiều dân tộc thiểu số ở các vùng miền lưu giữ nhất, trong đó phải kể đến nghề dệt truyền thống của dân tộc Nùng ở thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng, Sơn Dương.

Điểm đặc biệt ở làng truyền thống này là các bộ khung dệt vải đã có từ rất lâu, cây thoi và bộ khung cửi làm từ gỗ rừng, tre hay nứa đều nhẵn bóng theo thời gian.

Làng nghề truyền thống Khuôn Thê sử dụng nguyên liệu dệt vải do người dân tự trồng lấy. Cây bông được trồng trên các triền núi thấp, thu hoạch và quay vòng se thành sợi. Việc tự trồng bông, dệt vải cho gia đình từ lâu đã trở thành thói quen của người dân nơi đây, các bé gái trong vùng khi lớn lên đã được dạy cho dệt vải. Các bà, các mẹ đều biết dệt và dệt rất khéo vì từ nhỏ đã quen thuộc với bộ áo chàm và khung dệt.

Các nghề thủ công nói chung đều yêu cầu sự tỉ mỉ và kiên trì, công đoạn se sợi và lên khung là kì công nhất, cán bông và se sợi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chú tâm mới tạo ra những sợi chỉ đều và đẹp. Công đoạn dệt nên một tấm vải cũng mất vài ngày.

Ngành nghề truyền thống dệt vải ở Khuôn Thê có cách nhuộm màu vải rất đặc biệt. Người dân thu hái cây chàm về ngâm trong chum nước hàng tháng trời cho đến khi lá nhàu nát, chắt lọc lấy nước trộn với ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát và khuấy đều để tạo hỗn hợp nước màu xanh lam đậm hay còn gọi là màu chàm. Ngâm vải trong chàm, mỗi ngày vớt ra phơi và ngâm lại hai lần, liên tục trong khoảng một tháng cho bền màu.

Khi đã có tấm vải người Nùng thêu thêm hoa văn trang trí rồi mới may thành quần áo, chăn, túi xách, khăn đội đầu,… Các hoạ tiết trang trí trong nghề thủ công truyền thống ở Khuôn Thê thường rất đơn giản, chủ yếu là các hình tròn, bố cục cân xứng, mô phỏng mặt trời ngôi sao màu sắc rực rỡ.

Nghề truyền thống ở Việt Nam không nhiều, đặc biệt nghề dệt ở Khuôn Thê đang dần mai một vì các sản phẩm công nghiệp đa dạng và giá rẻ hơn, nhưng cùng với tiếng nói, điệu hát, trang phục và các nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Nùng đã và đang được khôi phục.

Những tấm vải dệt tay từ làng Khuôn Thê là sự kết nối giữa các thế hệ với nhau và là sợi chỉ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xứng đáng là một trong những làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam.

Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - Hà Nội

Trong số các nghề truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt và kì công nhất phải kể đến làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ nằm ở Làng Chuôn Ngọ  huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Nét đặc sắc của nghề truyền thống này đó là dùng vỏ trai, vỏ ốc để làm nên những bức chạm khảm cực đẹp. Nghệ nhân ở làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ dùng những kỹ thuật cao và bàn tay kheo léo để làm cho những mảnh trai trở nên phẳng mịn, không bị gãy vụn và được đục gắn xuống gỗ vừa vặn. Nghề truyền thống khảm trai đòi hỏi công đoạn chọn vỏ trai, vỏ ốc cũng rất quan trọng.

Bí quyết lựa chọn nguyên liệu là chọn trai có loại cánh nhỏ, sẫm màu, có loại thịt trắng, vỏ mình dày, có loại nhiều vân, ốc xà cừ, đặc biệt vỏ trai “Cửu Khổng” có vân, màu sắc phong phú như cầu vồng dùng để khảm núi non, cánh phượng,… Hiện nay, vì nguồn nguyên liệu cạn kiệt, các làng nghề truyền thống khảm trai sử dụng nguyên liệu nhập từ Indonesia, Singapore, Trung Quốc,…

Các làng nghề Việt Nam, đặc biệt là Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ luôn nâng cấp chất lượng, kỹ thuật, đây là điều quyết định chất lượng khác biệt so với các vùng khác.

Bí kíp để các mảnh trai gắn vào gỗ được thẳng mà không bị vỡ, những người thợ lành nghề của làng thủ công mỹ nghệ Chuôn Ngọ mài vỏ trai rồi ngâm rượu, hơ lửa rồi mới chẻ róc, cưa, đục.

Các bức tranh làng nghề truyền thống thường là các tác phẩm chạm khảm hoành phi, câu đối trong đình đền, hoạ tiết trang trí trên sập gụ, tủ chè, tranh treo tường. Ngày nay ngành nghề truyền thống này còn dần xuất hiện nhiều hoạ tiết trên hộp đựng trà, ống đũa, bát đĩa, tranh lưu niệm.

Cũng giống như các làng nghề thủ công khác, làng nghề khảm trai Khuôn Ngọ cũng trải qua thăng trầm và đang dần mai một, nhưng may mắn là vẫn còn một số nghệ nhân tâm huyết giữ gìn làng nghề nhằm lưu giữ giá trị truyền thống.